Chưa rõ chữ O đại diện cho cái gì, chúng ta chỉ biết nó là kí tự tiếp nối cho N, cũng chưa biết số hiệu có phải là 8.0 hay không. Google có truyền thống đặt tên cho các phiên bản Android bằng những món bánh ngọt, như N = Nougat, M = kẹo dẻo Marsmallow, L = kẹo Lollipop, J = kẹo viên Jelly Bean chẳng hạn. Anh em có gợi ý hay suy đoán gì không?
Giới hạn app chạy nền tự động, không cần người dùng chỉnh tay
Bắt đầu từ Android 7.0, Android đã cho phép người dùng giới hạn một số ứng dụng chạy nền nhằm tiết kiệm pin và giải phóng RAM, mang lại trải nghiệm mượt mà hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn phải bật tắt thủ công cho từng app, trong khi Android O tự động hóa giai đoạn này và đảm bảo ai cũng có trải nghiệm tốt chứ không chỉ những người thích nghịch máy.
Những thứ mà Android sẽ tự động giới hạn bao gồm broadcast (hành động gửi tín hiệu cho các app khác để chúng làm một thứ gì đó, background service (các dịch vụ còn tiếp tục chạy nền khi bạn đã thoát app – ví dụ service nghe nhạc, download file) và cập nhật địa điểm. Với lập trình viên, điều này giúp họ bớt lo về những yếu tố có thể làm hao pin trong quá trình xây dựng app, còn người dùng thì có thời gian xài pin lâu hơn mà không phải quản lý, bật tắt gì cả.
Nói kĩ hơn về việc giới hạn background service, Google cho biết khi một app đang chạy và thoát ra thì dịch vụ nền của nó vẫn còn được phép chạy thêm vài phút nữa. Hết thời gian này, app được xem như là “rỗi ” (idle) và hệ thống sẽ ngừng dịch vụ chạy nền lại. Chỉ những ứng dụng được đưa vào danh sách ưu tiên mà Android gọi là whitelist thì mới được tiếp tục vận hành thoải mái, ví dụ như service kiểm tra tin chat, SMS, MMS, service lấy thông báo mới…
Nhưng lỡ như một app cần chạy nền thứ gì đó mà không nằm trong whitelist của Android thì sao? Giải pháp thay thế sẽ là tính năng JobScheduler. Ví dụ, ứng dụng CoolPhotoApp cần kiểm tra xem liệu người dùng có nhận hình ảnh từ bạn bè hay không ngay cả khi nó không được mở. Lúc trước, app dùng một service chạy nền để kiểm tra với server của nó và service này sẽ chạy liên tục nên gây hao pin, tốn RAM. Còn trong Android O, app sẽ chuyển sang dùng JobScheduler và theo lịch hẹn (mỗi 1 phút chẳng hạn), tác vụ kiểm tra sẽ được chạy lên, liên lạc lên server, thông báo cho người dùng khi có ảnh mới, rồi tự thoát ra.
Notification channel
Android hiện đã cho nhóm các thông báo của cùng một app, nhưng cách này vẫn chưa phải là cách tốt nhất để dễ đọc, dễ tiếp nhận thông tin và tránh làm phiền người dùng. Trong Android O, Google giới thiệu thêm Notification Channel, nó sẽ chia thông báo làm nhiều “kênh” khác nhau và người dùng được chọn kênh mà mình muốn xem, những kênh khác sẽ không có quyền hiện ra.
Ví dụ: Facebook có thể tạo ra các kênh thông báo riêng dành cho từng loại thông báo về mention, like, follow, comment hay tạo post mới. Nếu bạn chỉ muốn nhận thông báo khi có ai đó comment hoặc follow bạn, bạn sẽ bật kênh comment và kênh follow. Hay app Feedly sẽ chỉ thông báo cho bạn khi có tin mới về iPhone, còn tin mới về BlackBerry thì không hiện ra. Bạn được quyền tùy chỉnh loại thông báo muốn xem như hình bên dưới.
Thật ra tính năng này đã có từ lâu trong một số app, tuy nhiên nó cần tới sự tham gia của server quản lý app đó (do server là nơi phát sinh và gửi notification xuống điện thoại). Còn bây giờ, Android O có thể làm luôn việc giới hạn thông báo này trực tiếp trên smartphone mà không thông qua bất kì đối tượng trung gian nào (do không phải app nào cũng có server phía sau, và không phải lúc nào lập trình viên cũng triển khai chức năng tùy chọn thông báo trên server).
Bên cạnh đó, Google còn bổ sung chức năng hoãn hiển thị thông báo cho Android O. Ví dụ, khi bạn thấy thông báo có email mới mà bận chưa kịp xem, bạn có thể snooze nó và hẹn 30 phút sau hãy hiện ra trở lại. Android O cũng cho phép app tự xóa notification của mình sau một thời gian nhất định, chứ còn trước giờ người dùng phải tự làm thôi. Cuối cùng, Android O có thêm chức năng đặt màu nền cho thông báo, một cách để dễ phân biệt các notif với nhau.
Autofill
Việc hỗ trợ tự động điền nội dung từ hệ điều hành sẽ giúp các ứng dụng có một cách an toàn và tin cậy để lưu những thông tin mà người dùng hay nhập. Trước đây từng app phải tự triển khai chức năng này, còn giờ đã có sẵn trong Android, và cho phép chia sẻ dữ liệu autofill giữa app này với app khác. Người dùng có thể quản lý nguồn chứa dữ liệu autofill một cách dễ dàng. Hưởng lợi nhất từ Autofill chính là app bàn phím và app quản lý password vì Android đã có một cách chuẩn để tự động điền chữ. Cũng sẽ có những app mới hoàn toàn ra đời chỉ để quản lý thông tin mà bạn dùng để autofill, ví dụ ứng dụng này sẽ quản lý địa chỉ nhà, địa chỉ công ty của bạn để điền nhanh hơn khi xài các app mua hàng online, hoặc quản lý mã thẻ tín dụng để các app thanh toán có thể chạy vào sử dụng.
Chế độ Picture in Picture
Picture in Picture (PiP) cho phép bạn thu nhỏ video xuống và gắn nó vào một góc màn hình, khi ấy bạn có thể thoát app đang chạy video để chuyển sang dùng các phần mềm khác mà không lo video bị ngừng. Hiện PiP chỉ mới áp dụng cho Android TV mà thôi, còn Android O mang chức năng này lên cả điện thoại và tablet. Chưa rõ video từ trình duyệt có thể chạy PiP hay không nhưng mình nghĩ khả năng cao là có. Lập trình viên sẽ cần đưa chức năng này vào app của mình thì nó mới hoạt động.
Font XML
Chức năng này hỗ trợ lập trình viên định nghĩa, sử dụng font một cách đơn giản hơn cho app hay game của mình mà không cần phải bước qua các bước cấu hình phức tạp. Người dùng đương nhiên cũng chẳng cần làm gì.
Adaptive icon
Trước đây icon của app chỉ được phép có 1 hình thù duy nhất. Nếu nó vuông thì là vuông từ đầu tới cuối, nếu nó tròn là tròn từ đầu tới cuối và bạn không thể biến đổi nó sau khi cài vào điện thoại. Các launcher mà anh em thấy hiện nay sử dụng một bộ icon khác thay thế cho bộ mặc định nên mới có icon tròn vuông đủ kiểu cho chúng ta nghịch.
Còn với Android O, một icon có thể có nhiều hình dạng khác nhau, hỗ trợ từ hệ điều hành luôn chứ không cần launcher nữa. Ví dụ, app Facebook có thể hiển thị hình vuông bo góc trên điện thoại Samsung, nhưng lên điện thoại Sony thì nó đổi sang hình tròn cho phù hợp với theme của nhà sản xuất chẳng hạn. Mỗi nhà sản xuất sẽ định nghĩa một lớp “mặt nạ” cho thiết bị của mình để các icon dựa vào đó mà thay đổi hình dáng theo, áp dụng cho cả launcher, app settings, hộp thoại share và nhiều nơi khác trong hệ thống. Ngoài ra, icon còn có thể có một số hiệu ứng chuyển động riêng cho đẹp.
Hỗ trợ app với gam màu rộng
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, xem ảnh, xem video có thể tận dụng tính năng này để kích hoạt các profile màu dải rộng để mang lại hình ảnh đẹp hơn, chân thực hơn. Một số profile được hỗ trợ ở thời điểm hiện tại là AdobeRGB, Pro Photo RGB và DCI-P3.
Kết nối
Bluetooth là thứ cần nói tới đầu tiên. Google cho hay Sony đã cống hiến nhiều thứ trong Android O, trong đó đáng chú ý nhất là định dạng mã hóa âm thanh LDAC khi nghe nhạc không dây. Encode này do Sony phát triển, nó cho phép gửi qua Bluetooth lượng dữ liệu âm thanh nhiều gấp 3 lần so với bình thường, tức là bạn có thể nghe nhạc với độ chi tiết cao hơn, hay hơn. Bạn sẽ không nhất thiết phải xài tai nghe có dây để được thưởng thức trọn vẹn bài nhạc.
Tất nhiên, để xài được nó thì bạn sẽ cần mua chiếc tai nghe hỗ trợ LDAC chứ tai nghe thường thì sẽ không có tác dụng gì. Sony hiện cũng chỉ có cặp tai MDR-1000X là tương thích LDAC và giá của nó là 400$! Trong tương lai có lẽ sẽ có thêm nhiều tai nghe khác nhưng cũng chỉ thuộc phân khúc cao cấp mà thôi. Nhà sản xuất điện thoại không cần trả phí bản quyền để tích hợp LDAC vì nó có sẵn trong Android rồi, nhưng nhà sản xuất tai nghe thì sẽ phải làm chuyện này.
Android O còn hỗ trợ thêm framework Telecom, nó giúp các app gọi điện bên thứ ba hoạt động với nhau tốt hơn, và thậm chí hỗ trợ luôn những tính năng riêng biệt của nhà mạng mà không cần xài app do nhà mạng cung cấp. Các hàm API này dường như còn cho phép app hiển thị giao diện gọi điện tốt hơn nhưng chưa rõ lắm, khi nào mình trên tay được thì sẽ báo với anh em.
Chọn văn bản thông minh:
Tính năng chọn văn bản thông minh mới sẽ giúp người dùng chọn toàn bộ tên, kể cả tên và họ, dễ dàng hơn bằng cách gõ và giữ bất cứ nơi nào trên đoạn văn bản. Hiện tại, người dùng Android phải nhấn và kéo con trỏ nhỏ để bôi đen toàn bộ tên.
Công cụ chọn văn bản thông minh cho phép người dùng làm nổi bật số điện thoại hoặc địa chỉ và một phím tắt cho ứng dụng có liên quan nhất sẽ xuất hiện. Vì vậy, nếu người dùng nhấn và giữ một địa chỉ, một pop-up nhỏ sẽ đề xuất Google Maps.
Google Play Protect:
Tính năng “Google Play Protect” mới quét các ứng dụng để đảm bảo rằng không có phần mềm nào chứa lỗi bảo mật có thể gây hại cho thiết bị.
Điều hướng bằng bàn phím
Với người dùng điện thoại có lẽ chức năng này không ảnh hưởng nhiều, nhưng với các app Android chạy trên Chromebook và tablet cỡ lớn thì có. Android O tập trung vào việc làm ra những tính năng cho nút mũi tên để người dùng bấm chọn và di chuyển dễ hơn.
Tối ưu cho Java 8
Các hàm Java 8 mới sẽ được hỗ trợ đầy đủ trong Android O. Việc Google tối ưu hệ điều hành của mình cho Java 8 cũng có nghĩa là các app sẽ chạy nhanh hơn, mượt hơn, ổn định hơn.
Nguồn Tổng Hợp